Lạm phát là là hiện trạng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, bao gồm cả Việt Nam. Lạm phát tác động trực tiếp đến nền kinh tế theo nhiều chiều khác nhau. Tuy nhiên, nếu tốc độ xảy ra quá nhanh, đi kèm hàng loạt biến động xấu, đây sẽ là vấn đề rất đáng lo ngại, cần có giải pháp kiểm soát kịp thời. Cùng Ngân hàng số Timo tìm hiểu chi tiết khái niệm lạm phát là gì trong bài viết dưới đây.

>> Xem thêm: Đầu tư gì khi lạm phát tăng cao?

Lạm phát là gì?

Trong nền kinh tế vĩ mô, lạm phát là sự gia tăng liên tục về mức giá chung của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian và sự mất giá của một loại tiền tệ bất kỳ. Khi tình trạng này xảy ra, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được số lượng hàng hóa, dịch vụ ít hơn so với trước đó. Nói cách khác, lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua đáng kể trên một đơn vị tiền tệ.

Ví dụ, năm 2022, bạn có thể mua một bát phở chỉ với giá 30.000 đồng. Tuy nhiên, khi lạm phát xảy ra, vào năm 2023 thì bạn phải mua tô phở này với giá 35.000 đồng.

Tình trạng này ảnh hưởng đến các nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau, tồn tại song song tích cực và tiêu cực. Cụ thể như sau:

  • Tác động tích cực: Lạm phát giúp giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.
  • Tác động tiêu cực: Lạm phát dẫn đến sự gia tăng chi phí cơ hội của việc trữ tiền, sự không chắc chắn về tình hình trong tương lai có thể ngăn cản quyết định tiết kiệm và đầu tư. Ngoài ra, tốc độ tăng quá nhanh còn làm cho hàng hóa khan hiếm, gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Vậy tỷ lệ lạm phát là gì? Tỷ lệ lạm phát là tốc độ tăng mặt bằng giá của nền kinh tế. Thông số này được tính dựa vào chỉ số giá tiêu dùng hoặc chỉ số giảm phát GDP. Tỷ lệ lạm phát có thể được tính cho 1 tháng, 1 quý, 6 tháng hoặc 1 năm.

Nguyên nhân gây ra lạm phát

Nguyên nhân gây ra lạm phát là gì? Dưới đây là một số yếu tố điển hình phải kể đến:

Lạm phát do cầu kéo

Một mặt hàng bất kỳ sẽ tăng giá khi nhu cầu thị trường tăng lên. Từ đây, giá của hầu hết các loại hàng hóa khác cũng leo thang. Tình trạng này được gọi là lạm phát do cầu kéo (nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng lên). Chẳng hạn, ở Việt Nam, giá xăng tăng kéo theo giá cước taxi, giá thịt, giá nông sản tăng,…

Lạm phát do chi phí đẩy

Chi phí đẩy của doanh nghiệp bao gồm: Giá nguyên vật liệu đầu vào, giá máy móc, thuế, tiền lương,… Sự biến động tổng chi phí sản xuất của xí nghiệp tỷ lệ thuận với giá của một hoặc nhiều yếu tố trên. Khi tất cả tăng lên, giá thành sản phẩm bán ra thị trường cũng leo thang để bảo toàn lợi nhuận. Tình trạng này được gọi là lạm phát do chi phí đẩy.

Lạm phát do cầu thay đổi

Nhu cầu tiêu thụ một mặt hàng bất kỳ trên thị trường giảm, lượng cầu của một mặt hàng khác sẽ tăng lên. Lúc này, nếu thị trường có nguồn cung ứng độc quyền nhưng giá cả chỉ có thể tăng, không thể giảm (chẳng hạn như giá điện ở Việt Nam) thì mặt hàng có lượng cầu giảm vẫn không giảm giá. Trong khi đó, mặt hàng có lượng cầu tăng sẽ tăng giá. Kết quả là tăng mức giá chung, dẫn đến lạm phát.

Lạm phát tiền tệ

Cung của lượng tiền lưu hành trong nước tăng cũng là nguyên nhân gây lạm phát. Tình trạng này có thể do ngân hàng trung ương mua ngoại tệ vào để giữ giá cho đồng tiền trong nước. Một số trường hợp ngân hàng trung ương mua công trái theo yêu cầu của nhà nước cũng gây ra biến động tương tự.

Tác động của lạm phát đến nền kinh tế Việt Nam?

Lạm phát đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, điển hình như sau:

  • Tăng giá vàng: Tốc độ lạm phát quá nhanh, tăng lãi suất không hiệu quả dẫn đến vàng tăng giá dữ dội. Thời điểm lạm phát xảy ra, nhu cầu mua vàng tích trữ cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng giá vàng liên tục lập đỉnh và duy trì giao dịch ở mức giá cao.
  • Tăng lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay tăng gây sức ép rất lớn đối với các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điều này kéo theo tình trạng tăng lãi thẻ tín dụng, lãi vay mua nhà, mua ô tô, vay kinh doanh,… Về lâu dài, hệ lụy nghiêm trọng hơn là kìm hãm nền kinh tế, tiêu dùng giảm mạnh, hoạt động doanh nghiệp trì trệ, ngại đi vay để đầu tư phát triển thị trường,…
  • Tăng giá nguyên vật liệu: Trong giai đoạn lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng cao, dẫn đến tăng giá sản phẩm đầu ra. Nếu tình hình này xảy ra trên quy mô toàn cầu, Việt Nam phải chịu chi phí đầu vào lớn.
  • Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp: Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn do lạm phát tăng, nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất vay nợ cao và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Các dự án đầu tư công phải tiếp tục dừng lại để điều chỉnh, dẫn đến sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc phục hồi và phát triển nền kinh tế.
  • Chi phí chìm: Ngoài việc phải đối mặt với tình trạng tăng giá nguyên vật liệu, doanh nghiệp còn gặp phải rất nhiều vấn đề về khấu hao, lãi vay, tiền lượng, vận chuyển,… trong giai đoạn lạm phát.

>> Tham khảo: Lãi suất là gì?

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích giải đáp thắc mắc lạm phát là gì. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều cập nhật chi tiết về tình hình kinh tế hiện nay của đất nước. Để theo dõi nhiều kiến thức mới liên quan đến tài chính – ngân hàng, truy cập vào website Ngân hàng số Timo mỗi ngày bạn nhé!